Chắc chắn rằng bạn không hề dễ chịu vì những nốt mụn nhọt đỏ sưng luôn mang lại cảm giác đau rát, khó chịu và mất tự tin. Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì đã chữa trị rồi nhưng một thời gian sau mụn nhọt lại xuất hiện? Vậy nguyên nhân nào khiến mụn nhọt tái phát nhiều lần đến vậy? Làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Xem nhanh
Nguyên nhân mụn nhọt xuất hiện
Khi các nang lông và tuyến bã nhờn trên da bị nhiễm trùng, mụn nhọt (hay còn gọi là áp xe da) sẽ xuất hiện. Mụn nhọt thường biểu hiện dưới dạng một cục u có thể chứa mủ, sưng đỏ, cảm giác đau nhức khi chạm vào. Có nhiều yếu tố khiến mụn nhọt xuất hiện.
Không vệ sinh da cẩn thận
Da tích tụ nhiều dầu thừa và bụi bẩn trong lỗ chân lông sẽ dễ dàng bị tắc nghẽn và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Khi bạn chưa rửa tay sạch sẽ mà chạm vào mặt hoặc vùng da bị tổn thương, bạn đã vô tình đưa thêm vi khuẩn từ môi trường vào da, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, lười vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi đổ mồ hôi một ngày dài cũng khiến bụi bẩn tích tụ, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi.
Vệ sinh da không sạch sẽ khiến mụn nhọt tái phát nhiều lần
Nhiễm trùng vi khuẩn Staphylococcus aureus
Cơ thể sẽ phản ứng với vi khuẩn Staphylococcus aureus (Staphylococcus vàng), phòng vệ bằng cách kích thích sự phát triển của mủ, tạo ra những cục sưng đỏ đau đớn dưới da, đây là dấu hiệu mụn nhọt bị nhiễm trùng. Vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào các nang lông thông qua những vết thương nhỏ, trầy xước hay vùng da bị tổn thương.
Vùng da có mủ vì nhiễm trùng vi khuẩn Staphylococcus aureus
Đổ nhiều mồ hôi và mặc quần áo chật
Thói quen mặc quần áo quá chật khiến cho mồ hôi không thể thoát ra ngoài, tạo ra độ ẩm và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da. Khi mồ hôi bị giữ lại trong quần áo không thoáng khí, những khu vực như vùng nách, lưng hoặc vùng kín dễ bị tắc nghẽn tuyến bã nhờn và nang lông, vi khuẩn Staphylococcus aureus phát triển thuận lợi từ đó gây ra mụn nhọt.
Nội tiết tố bị rối loạn
Khi cơ thể rơi vào các giai đoạn thay đổi hormone mạnh mẽ như dậy thì, mang thai, chu kỳ kinh nguyệt,...cơ thể sẽ kích thích tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Những vùng da bị ảnh hưởng nhiều nhất ở giai đoạn này là mặt, lưng và ngực, mụn nhọt sẽ xuất hiện nhiều và cản trở sự tự tin của mỗi người.
Mụn nhọt tái phát do ảnh hưởng của nội tiết tố
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Những thực phẩm đặc biệt chứa nhiều đường và chất béo, thực phẩm chế biến sẵn chính là một phần nguyên nhân khiến cơ thể sản sinh quá nhiều bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Hơn nữa, hormone insulin sẽ bị kích thích gia tăng đột ngột khi tiêu thụ những thực phẩm này, dẫn đến sự rối loạn trong các hoạt động của tuyến bã nhờn, tăng nguy cơ xuất hiện mụn nhọt.
Ăn quá nhiều thức ăn nhanh khiến mụn nhọt tái phát nhiều lần
Suy yếu hệ miễn dịch
Một hệ miễn dịch không tốt sẽ làm cho cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, Những người có sức đề kháng kém, chẳng hạn như những người mắc bệnh tiểu đường, HIV/AIDS hoặc đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, sẽ có khả năng bị nhiễm trùng da cao hơn. Khi hệ miễn dịch không đủ mạnh để chống lại vi khuẩn, chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra tình trạng viêm nhiễm nặng như mụn nhọt.
Đái tháo đường
Người bị đái tháo đường dễ mắc mụn nhọt do hệ miễn dịch suy yếu và mức đường huyết của người bị đái tháo đường cao hơn người bình thường. Từ đó kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển. Bệnh nhân đái tháo đường cũng có khả năng lành vết thương thấp hơn người bình thường, do đó mụn nhọt sẽ khó biến mất hoàn toàn.
Vì sao mụn nhọt tái phát nhiều lần?
Một trong những nguyên nhân chính khiến mụn nhọt tái đi tái lại là do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, lỗ chân lông bị tắc nghẽn vì da tiết nhiều dầu, kết hợp với bụi bẩn và tế bào tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Staphylococcus aureus phát triển. Mụn nhọt hình thành do vi khuẩn này tấn công vào nang lông, gây ra viêm nhiễm. Ngoài ra, người mắc bệnh đái tháo đường hay những người có sức đề kháng kém, khả năng chống lại vi khuẩn cũng sẽ giảm đi, không thể điều trị mụn nhọt triệt để do hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu. Mụn nhọt cũng sẽ tái diễn nếu bạn thường xuyên căng thẳng hay rơi vào giai đoạn thay đổi nội tiết tố ( dậy thì, mang thai, kinh nguyệt, tiền mãn kinh) vì tuyến bã nhờn hoạt động đặc biệt mạnh mẽ. Một yếu tố quan trọng nữa đó là không chú ý vệ sinh da đúng cách và chưa có giải pháp điều trị dứt điểm, mụn nhọt vẫn sẽ tái phát liên tục.
Cách ngăn ngừa mụn nhọt tái phát nhiều lần
Tạo thói quen chăm sóc da cẩn thận
Để ngăn ngừa mụn nhọt tái phát nhiều lần, duy trì một thói quen chăm sóc da hợp lý và duy trì sức khỏe tổng thể tốt là giải pháp hữu hiệu nhất. Bạn cần rửa mặt ít nhất hai lần mỗi ngày với sữa rửa mặt phù hợp phù hợp với loại da, giúp loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn, tế bào chết và kem dưỡng da (kem chống nắng, lớp trang điểm), từ đó giảm nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông và ngăn ngừa vi khuẩn Staphylococcus aureus phát triển. Trước khi chạm tay vào mặt, bạn nhớ rửa tay sạch với xà phòng để tránh vi khuẩn lây lan.
Rửa mặt sạch sẽ và đúng cách
Kiểm soát chế độ ăn uống và căng thẳng
Điều quan trọng tiếp theo là duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn nên bổ sung nhiều rau củ và trái cây để cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng đề kháng “đối phó” với mụn nhọt. Trong quá trình chữa trị mụn nhọt, bạn tuyệt đối hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo và đường. Các loại thực phẩm này là “kẻ thù” số một của cơ thể và làn da, tuyến bã nhờn bị kích thích sản xuất không ngừng nghỉ, tình trạng mụn nhọt sẽ ngày càng tệ hơn. Bạn nên tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ ngoài trời, yoga, thiền định hoặc bất cứ hoạt động nào hỗ trợ việc thư giãn và giảm căng thẳng. Khi sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tinh thần của bạn đều ổn định, mụn nhọt sẽ không còn cơ hội tái phát.
Bổ sung nhiều rau, củ, quả để tăng sức đề kháng
Thăm khám với bác sĩ da liễu
Khi mụn nhọt bị viêm nặng và lâu khỏi, bạn cần điều trị kịp thời và đúng cách để tránh tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín, thăm khám trực tiếp với bác sĩ da liễu để được tư vấn sử dụng các sản phẩm trị mụn phù hợp. Để quá trình điều trị suôn sẻ và có kết quả tốt, bạn cần duy trì lịch tái khám đều đặn với bác sĩ, tình trạng mụn nhọt sẽ được theo dõi thường xuyên và tránh được các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn đang mắc phải các bệnh lý rối loạn trao đổi chất như đái tháo đường, bạn cần kiểm soát tốt chỉ số đường huyết qua chế độ ăn và sử dụng thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Duy trì thói quen này không những giúp bạn tránh được các rủi ro của bệnh đái tháo đường mà còn giảm nguy cơ mụn nhọt tái phát nhiều lần.
Khám da liễu để điều trị mụn nhọt hiệu quả
Tổng kết
Nguyên nhân mụn nhọt tái phát nhiều lần có thể đến từ thói quen vệ sinh da chưa đúng cách, nhiễm trùng vi khuẩn Staphylococcus aureus, chế độ ăn uống thiếu khoa học, nội tiết tố bị rối loạn hay suy yếu hệ miễn dịch do đái tháo đường (HIV/AIDS),...Để giải quyết triệt để mụn nhọt “cứng đầu”, bạn cần thăm khám với bác sĩ da liễu để được hỗ trợ tìm ra nguyên nhân vì sao mụn nhọt cứ quay trở lại, đồng thời được cung cấp phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Trong quá trình điều trị, bạn hãy kiên trì và luôn giữ tinh thần lạc quan để cơ thể tránh rơi vào trạng thái căng thẳng, mụn nhọt sẽ dần dần biến mất.
Tin liên quan
Nov 05, 2024
Mar 31, 2024
Apr 01, 2024