Da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn là hiện tượng khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân như rối loạn nội tiết tố, dị ứng mỹ phẩm, căng thẳng, chế độ ăn uống, và thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Khi da mặt bỗng nhiên nổi nhiều mụn, việc xác định nguyên nhân cụ thể là quan trọng để có phương pháp điều trị đúng đắn và an toàn. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn cách chăm sóc da mụn để giúp da trở nên mịn màng và khỏe mạnh hơn.
Vì sao da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn?
Da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn do nhiều nguyên nhân
Tình trạng nhiều mụn bất chợt xuất hiện có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau, điển hình như:
- Bít tắc lỗ chân lông: Đây là nguyên nhân khá phổ biến khiến da nổi mụn. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, vi khuẩn được dịp sinh sôi gây ra viêm, hoặc tế bào chết tích tụ.
- Rối loạn nội tiết: Sự thay đổi hormone trong các giai đoạn của cơ thể như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hoặc khi dùng thuốc tránh thai có thể làm da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn đầu trắng. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên cân bằng nội tiết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ.
- Dị ứng mỹ phẩm: Sử dụng các loại mỹ phẩm có thành phần gây kích ứng (paraben, cồn, hương liệu), sản phẩm đã hết hạn hoặc không phù hợp với da có thể gây mụn, nhất là mụn dị ứng. Trường hợp này, bạn cần ngưng sử dụng sản phẩm đó ngay và nên tìm kiếm sử dụng những sản phẩm lành tính, phù hợp hơn với da.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Thói quen ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ quá nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ, rượu bia sẽ kích thích tuyến dầu hoạt động mạnh, khiến lỗ chân lông bị bít tắc và tạo nên mụn. Biện pháp quan trọng nhất trong lúc này là lên một chế độ ăn lành mạnh giúp cơ thể được thanh lọc, cũng như uống đủ nước để nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong.
- Căng thẳng, stress: Căng thẳng kéo dài, thiếu ngủ, hoặc thức khuya có thể khiến da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn đầu trắng do cơ thể sản sinh nhiều cortisol, làm tăng sản xuất dầu thừa. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế những suy nghĩ tiêu cực hoặc căng thẳng, duy trì tâm lý ổn định, kết hợp với việc ngủ đủ giấc để giúp da luôn trẻ khoẻ, tránh lên mụn hoặc lão hoá sớm.
- Không vệ sinh môi trường sống xung quanh: Chăn gối, khăn mặt bẩn có thể chứa vi khuẩn gây kích ứng và mụn. Ngoài ra, môi trường sống bị ô nhiễm cũng có thể gây nên tác động tương tự. Vì vậy, bạn nên thường xuyên vệ sinh không gian sống, giặt vỏ gối mỗi tuần từ 2 đến 3 lần và chăn, ga khoảng 2 lần mỗi tháng để bảo vệ da tối ưu.
Các loại mụn thường gặp trên da mặt
Da mặt thường nổi nhiều loại mụn, mỗi loại có đặc điểm và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Một trong những loại phổ biến là mụn đầu đen, thường xuất hiện ở các vùng má, mũi, cằm và trán. Đặc trưng của mụn đầu đen là các nốt mụn li ti trên bề mặt da, có đầu mụn màu đen, với kích cỡ chỉ từ 1 đến 2mm. Theo thời gian, nhân mụn trở nên cứng và có cảm giác cộm khi chạm vào.
Một loại mụn khác cũng khá phổ biến là mụn đầu trắng, thường ẩn dưới da, hình thành khi lỗ chân lông tắc nghẽn. Mụn đầu trắng có kích thước tương tự mụn đầu đen (cỡ 1 đến 2mm), thường không có nhân và không gây đau nhức. Tuy nhiên, mụn đầu trắng có thể khiến bề mặt da trở nên sần sùi, đặc biệt là khi xuất hiện ở các khu vực như trán, mũi, cằm và má.
Mụn đầu trắng nổi nhiều trên mặt
Khi tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn, mụn bọc có thể xuất hiện. Mụn bọc thường gây đau nhức và có kích thước lớn hơn, trên 5mm. Loại mụn này thường nổi lên bề mặt da và rất đau khi chạm vào. Bên trong mụn bọc thường không có nhân, nhưng lại chứa máu và mủ, làm cho nốt mụn luôn có màu đỏ và dễ gây viêm nhiễm nếu không biết cách chăm sóc đúng.
Mụn mủ là một loại mụn viêm có khả năng để lại sẹo cao. Nốt mụn chứa đầy mủ, đầu mụn có màu vàng, vùng da xung quanh thường ửng đỏ và gây đau. Việc chạm vào hoặc nặn mụn mủ có thể làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ để lại sẹo.
Ngoài ra, mụn viêm đỏ thường phát triển từ mụn đầu đen hoặc đầu trắng. Loại mụn này có kích thước nhỏ hơn 5mm nhưng vẫn gây đau và có nguy cơ cao để lại sẹo nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Cuối cùng, mụn đầu đinh là loại mụn có kích thước nhỏ khi mới xuất hiện, sau đó to dần và gây sưng đau. Loại mụn này thường nổi lên ở gần lỗ chân lông râu và có khả năng gây nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách.
Nhìn chung, da mặt bỗng nhiên nổi nhiều mụn (có thể là một hoặc nhiều loại mụn cùng lúc) là tình trạng thường gặp. Điều quan trọng là cần chăm sóc và điều trị mụn đúng cách để ngăn ngừa các biến chứng như sẹo hoặc viêm nhiễm.
Ngăn ngừa tình trạng da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn bằng cách nào?
Để ngăn ngừa và điều trị mụn hiệu quả, có những điều quan trọng cần lưu ý:
Lối sống lành mạnh, khoa học
Trước hết, lối sống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng. Đảm bảo ngủ đủ giấc và ngủ sớm sẽ giúp da phục hồi cũng như khỏe mạnh hơn. Về chế độ ăn uống, bạn nên tránh những thực phẩm cay nóng, quá nhiều dầu mỡ, hay thực phẩm gây kích ứng da. Thay vào đó, hãy tăng cường ăn rau củ quả và uống đủ nước để nuôi dưỡng da từ bên trong. Không chỉ vậy, việc giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng cũng góp phần làm giảm tình trạng mụn do stress.
Chăm sóc da đúng cách
Việc chăm sóc da sao cho đúng cũng là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa và điều trị mụn. Bạn nên sử dụng các sản phẩm lành tính, không gây kích ứng cho da. Rửa mặt 2 lần/ngày là đủ để làm sạch da mà không làm mất cân bằng độ ẩm tự nhiên. Ngoài ra, hãy tẩy trang kỹ sau khi trang điểm và dùng nước hoa hồng để làm sạch sâu lỗ chân lông.
Chăm sóc da đúng cách giúp ngăn ngừa và hạn chế mụn
Điều trị và ngăn ngừa đúng phương pháp
Một số phương pháp điều trị cụ thể như không nặn mụn, đắp mặt nạ đất sét để loại bỏ dầu thừa, và tẩy da chết nhẹ nhàng sẽ giúp da tái tạo tốt hơn.
Sử dụng kem chống nắng
Đừng quên bảo vệ da bằng cách thoa kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Bạn cũng cần nhớ rằng đối với mỗi loại mụn đều có biện pháp điều trị tương ứng. Vì thế nên việc chăm sóc da thật đúng cùng với việc có chế độ sinh hoạt lành mạnh và hợp lý sẽ giúp làn da khỏe mạnh, rạng rỡ hơn.
Những câu hỏi thường gặp
Da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn là dấu hiệu của bệnh gì?
Tình trạng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Một trong những nguyên nhân phổ biến là rối loạn nội tiết tố, đặc biệt trong các giai đoạn của cơ thể như dậy thì, mang thai, mãn kinh, hoặc khi bị hội chứng buồng trứng đa nang. Sự mất cân bằng hormone trong các giai đoạn này có thể gây ra mụn. Bên cạnh đó, rối loạn giấc ngủ cũng có thể làm xuất hiện mụn trên da, khi người bệnh gặp phải tình trạng ngủ không sâu giấc hoặc khó ngủ. Dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da, thực phẩm hoặc thời tiết cũng là một yếu tố khác dẫn đến mụn đột ngột.
Những biến chứng thường gặp của mụn trứng cá là gì?
Mụn nếu không được chăm sóc đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng, bao gồm sẹo và thâm mụn. Mụn viêm, nếu không được điều trị kịp thời, dễ gây ra sẹo rỗ hoặc sẹo lồi. Việc nặn mụn không đúng cách cũng là một nguyên nhân gây sẹo. Sau khi mụn lành, da có thể bị thâm đen hoặc thâm đỏ do tăng sắc tố, để lại vết thâm kéo dài.
Cách chẩn đoán khi da mặt đột nhiên nổi nhiều mụn?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây mụn, bác sĩ thường quan sát da và đặt một số câu hỏi về tình trạng hiện tại của người bệnh, chẳng hạn như liệu có đang bị căng thẳng, stress, hay có gặp vấn đề về giấc ngủ gần đây không. Bác sĩ cũng có thể hỏi về việc sử dụng thuốc, mỹ phẩm hoặc mụn có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt không.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Ngoài việc áp dụng những phương pháp chăm sóc và ngăn ngừa mụn xuất hiện trên da tại nhà, nếu gặp những trường hợp sau đây, hãy đến cơ sở y tế hoặc phòng khám da liễu để thăm khám và điều trị với bác sĩ:
- Tình trạng nhiều mụn trên mặt vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã thực hiện các biện pháp chăm sóc da và thay đổi lối sống một cách khoa học.
- Mụn đột nhiên nổi nhiều trên cơ thể của trẻ em và người lớn tuổi.
- Sốc phản vệ do kích ứng quá mức đối với các mỹ phẩm mới (bị khó thở, ngất xỉu, sưng mắt/môi/mặt).
Tin liên quan
Mar 31, 2024
Apr 01, 2024
Oct 22, 2024
Apr 01, 2024