Viêm da cơ địa (chàm, eczema) là một bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện vào thời kỳ sơ sinh và có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về bệnh, cũng như cách chăm sóc trẻ đúng cách để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Dấu hiệu viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể trẻ, nhưng có một số vùng da thường bị ảnh hưởng nhiều hơn, như mặt, cổ, lưng, bụng. Có một số trường hợp, trẻ có thể bị viêm da trên toàn bộ cơ thể. Một số triệu chứng dễ nhận biết của bệnh bao gồm:
- Da khô: Đây là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ. Da của trẻ bị khô, thậm chí là nứt nẻ, thường xuyên bong tróc, có thể đi kèm đau rát và ngứa.
- Nổi mụn nước li ti: Những nốt mụn nước li ti nổ thành từng mảng, đỏ và viêm, có thể làm cho trẻ ngứa ngáy, khó chịu, rối loạn giấc ngủ và quấy khóc.
- Bong tróc và chảy dịch: Nếu bệnh viêm da cơ địa nặng, da trẻ có thể bị nứt ra và dịch tiết có thể chảy ra từ vùng da bị tổn thương.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng xảy ra khi viêm da cơ địa ở trẻ không được chăm sóc đúng cách, tổn thương và diễn tiến nặng.
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bị viêm da cơ địa, cha mẹ nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa nói chung chưa được xác định rõ ràng, kể cả đối với bệnh xảy ra ở trẻ em. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng viêm da cơ địa là kết quả của sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, bao gồm:
- Di truyền: Một số trường hợp bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, nghĩa là nó được truyền từ cha mẹ sang con. Nếu cha hoặc mẹ có tiền sử viêm da cơ địa thì nguy cơ cao rằng trẻ cũng sẽ mắc bệnh.
- Miễn dịch: Hệ miễn dịch của trẻ em có thể phản ứng quá mức với các yếu tố gây kích thích bên ngoài, như vi khuẩn, virus hoặc các tác nhân gây dị ứng, dẫn đến viêm da cơ địa.
- Dị ứng: Viêm da cơ địa cũng có thể phát triển do dị ứng với một số tác nhân, như: sữa, thực phẩm, phấn hoa, bụi nhà và các sản phẩm hóa mỹ phẩm.
- Môi trường: Môi trường sống có thể ảnh hưởng đến việc phát triển bệnh viêm da ở trẻ em, ví dụ như khí hậu khô, không khí ô nhiễm hoặc tiếp xúc với hóa chất.
Các yếu tố nêu trên có thể tác động đến sức khỏe làn da của trẻ em, gây ra viêm nhiễm và làm tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ có thể có những yếu tố nguyên nhân khác nhau và cần được khám và chẩn đoán cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa là một bệnh ngoài da không gây nguy hiểm, nhưng có thể làm trẻ khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Bệnh thường có thể tự khỏi trong vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào mức độ và cách điều trị. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, viêm da cơ địa có thể tái phát liên tục và trở nên nghiêm trọng hơn. Việc giảm ngứa và giảm viêm là mục tiêu quan trọng trong việc điều trị eczema ở trẻ. Sau đây là một vài phương pháp điều trị để giảm ngứa và giảm viêm cho trẻ:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm đều đặn và sử dụng kem dưỡng ẩm là cách tốt nhất để giảm ngứa và giảm viêm. Sử dụng kem dưỡng ẩm ít nhất hai lần mỗi ngày, đặc biệt vào lúc sau khi tắm và trước khi đi ngủ vào buổi tối.
- Sử dụng thuốc corticosteroid: Nếu kem dưỡng ẩm không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid để giảm ngứa và giảm viêm. Tuy nhiên, thuốc này chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và theo liều lượng và thời gian sử dụng được đề ra.
Nếu trẻ bị viêm da cơ địa, trước tiên bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán cụ thể, từ đó lên phương án điều trị thích hợp. Tuyệt đối tránh các phương pháp điều trị không khoa học và chưa được kiểm chứng như nhỏ sữa mẹ vào vết viêm da, vì điều này có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra nhiễm trùng da.
Cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ em
Khi trẻ bị viêm da cơ địa, bạn cần chú ý đến việc chăm sóc và điều trị vùng da bị ảnh hưởng để giảm viêm, ngứa và cải thiện tình trạng da. Dưới đây là một số lời khuyên cho việc chăm sóc các vùng da bị viêm của trẻ:
- Dưỡng ẩm da cho trẻ: Bôi kem dưỡng ẩm lên các vùng da bị khô và bị viêm của trẻ, đặc biệt là sau khi tắm và trước khi ngủ. Chọn các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hóa chất và không gây kích ứng da. Có thể sử dụng loại kem dưỡng ẩm chuyên biệt dành cho viêm da cơ địa ở trẻ em.
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ, loại dành riêng cho trẻ em hoặc trẻ em bị viêm da cơ địa. Tắm nhanh cho trẻ với nước ấm hoặc nước mát, không tắm nước nóng. Sau khi tắm, lau khô nhẹ nhàng với khăn mềm.
- Điều chỉnh nhiệt độ: Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng sao cho mát mẻ, kiểm tra độ ẩm, tránh để không khí quá nóng hoặc quá khô.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Thay đổi chế độ ăn uống của trẻ bằng cách tăng cường chất xơ và rau quả, tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ kích ứng da như đậu nành, trứng, thịt bò, tôm và các loại hải sản khác.
- Theo dõi tình trạng của trẻ: Theo dõi tình trạng của trẻ, ngăn không cho trẻ gãi hay cào xước lên da và đảm bảo rằng tình trạng viêm da của trẻ không trở nên nặng hơn hoặc lây lan ra các khu vực khác trên cơ thể.
Trẻ bị viêm da toàn thân
Việc điều trị viêm da cơ địa cho trẻ nếu kết hợp tốt giữa các phương pháp của bác sĩ và việc chăm sóc tại nhà, sẽ giúp cải thiện tình trạng đáng kể và nhanh chóng.
Cách phòng ngừa viêm da cơ địa ở trẻ em
Vì viêm da cơ địa là một bệnh mãn tính và tuỳ thuộc cơ địa trẻ có nhạy cảm hay không, nên sẽ không có cách phòng ngừa tuyệt đối, mà chỉ có thể hạn chế, ngăn không cho bệnh tái phát thường xuyên. Có một số cách phòng ngừa có thể hữu hiệu như sau:
- Tránh tiếp xúc với các chất kích thích: Tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất kích thích như thực phẩm gây dị ứng, quần áo có chất liệu thô ráp, phấn hoa, bụi bẩn, hoá mỹ phẩm...
- Sử dụng tã và quần áo cotton: Tã và quần áo làm từ cotton thấm hút mồ hôi tốt hơn và ít gây kích ứng hơn so với các loại vải khác.
- Tránh dùng sản phẩm tắm có hương liệu: Nên sử dụng các sản phẩm tắm và dưỡng da không chứa hương liệu, màu sắc và hóa chất gây kích ứng da. Ngoài ra, không nên dùng quá nhiều sản phẩm tắm và dưỡng da.
- Giữ da bé luôn ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm để giữ cho da của bé luôn ẩm mịn. Nên bôi kem ngay sau khi tắm vì đó là lúc da dễ bị khô nhất và cũng dễ hấp thụ các sản phẩm chăm sóc da nhất.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ nếu đang cho con bú: Các nghiên cứu cho thấy việc ăn uống của mẹ ảnh hưởng đến việc phát triển của trẻ. Việc ăn uống không đủ dinh dưỡng hoặc thừa các chất gây kích ứng cũng có thể gây ra viêm da ở trẻ sơ sinh.
- Kiểm soát môi trường sống: Kiểm soát môi trường sống của bé bằng cách giữ cho phòng của bé luôn sạch sẽ, thoáng mát và khô ráo. Nên giặt giũ quần áo và chăn ga gối của bé bằng các chất tẩy rửa an toàn.
Tin liên quan
Feb 28, 2024
Mar 27, 2024
Aug 03, 2024
Feb 28, 2024