Đối với nhiều bậc cha mẹ mới sinh con, việc nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên cơ thể bé có thể gây hoang mang. Rụng tóc vành khăn là một trong những biểu hiện có thể khiến các bậc phụ huynh phải băn khoăn, nhưng có lẽ chưa nhiều người biết rõ về triệu chứng này và cách xử lý. Đừng quá lo lắng, hãy tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn từ những điều cơ bản nhất về triệu chứng này nhé!
Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh là thế nào?
Tóc của trẻ sơ sinh thường rất ngắn, mềm mại, và sẽ dần dần dài hơn theo thời gian. Loại tóc đầu tiên này được gọi là tóc máu. Khi bé khoảng 2-3 tháng tuổi, lượng hormone nội tiết mà mẹ đã truyền cho bé trong suốt quá trình mang thai sẽ bắt đầu giảm dần. Điều này dẫn đến hiện tượng tóc của bé rụng từ từ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Đến khoảng 7 tháng tuổi, tóc của bé sẽ bắt đầu mọc lại, và khi bé đạt khoảng 2 tuổi, bạn sẽ có thể thấy rõ hơn về độ dày cũng như các đặc điểm riêng biệt trên mái tóc của bé.
Nhiều bé sơ sinh sẽ trải qua một hiện tượng khá phổ biến là rụng tóc kiểu vành khăn khi bước vào giai đoạn từ 3 đến 6 tháng tuổi. Hiện tượng này rất dễ nhận biết, vì tóc của bé sẽ rụng thành một hình vòng cung ở phía sau gáy, tạo thành một vòng tròn giống như vành mũ. Phần lớn các trường hợp rụng tóc vành khăn là biểu hiện sinh lý hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý quan sát, bởi trong một số trường hợp, hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo về một số vấn đề sức khỏe.
Do đâu mà trẻ gặp tình trạng rụng tóc này?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc này ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến nhất.
Tóc mỏng và yếu
Cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất yếu, nên tóc của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bé có tóc mỏng, dễ rụng thì sẽ dễ gặp tình trạng rụng tóc kiểu vành khăn hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, bé thường rụng tóc nhiều do chân tóc còn yếu.
Thiếu dưỡng chất
Vitamin D và canxi là hai dưỡng chất vô cùng quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của tóc, nên việc thiếu các dưỡng chất là là một trong những nguyên nhân chính gây rụng tóc kiểu vành khăn ở bé. Ngoài ra, thiếu kẽm, sắt, hoặc vitamin C cũng có thể dẫn đến việc gặp tình trạng rụng tóc này.
Tác dụng phụ của thuốc
Khi bé bị bệnh, bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh liều cao hoặc trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng rụng tóc, vì thuốc kháng sinh có thể làm giảm lượng vitamin B và một số sắc tố quan trọng trong cơ thể. Điều này khiến tóc bé trở nên khô yếu và dễ rụng hơn.
Thói quen giật tóc của bé
Khi căng thẳng, bé có thể có thói quen khóc hoặc giật tóc của bản thân. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, tóc của bé sẽ dễ bị gãy rụng, trở nên xơ yếu, và chân tóc có thể nở rộng, có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc kiểu vành khăn.
Dị ứng
Nhiều cha mẹ thích sử dụng các loại tinh dầu như dầu dừa hoặc dầu bưởi để massage da đầu cho bé trong giai đoạn sơ sinh để kích thích mọc tóc. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng phù hợp với các loại tinh dầu này. Một số bé có thể bị dị ứng, dẫn đến tình trạng rụng tóc kiểu vành khăn. Ngoài ra, việc sử dụng các loại dầu gội chứa hóa chất mạnh cũng có thể khiến tóc bé dễ rụng hơn. Vì vậy, khi bé còn dưới 1 tuổi, các bậc phụ huynh nên hạn chế sử dụng dầu gội đầu hoặc dùng dầu gội dịu nhẹ để tránh ảnh hưởng đến tóc của bé.
Nấm và nhiễm trùng da
Nếu bé bị rụng tóc kiểu vành khăn kèm theo các triệu chứng như ngứa, khó chịu, và thường xuyên gãi ở phần da đầu, cha mẹ cần chú ý vệ sinh đầu thật kỹ cho bé. Đây có thể là dấu hiệu của nấm da, một tình trạng dễ gặp ở trẻ từ sơ sinh cho đến 4 tuổi. Nấm da thường biểu hiện qua các nốt mẩn đỏ, da bong tróc và sưng tấy. Nếu không được điều trị kịp thời, bé có thể bị rụng tóc nhiều hơn.
Hormone cơ thể giảm
Tóc của bé sơ sinh thường rụng do mất cân bằng hormone từ trong bụng mẹ, hoặc do thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng rụng tóc này ở trẻ thường được phát hiện cùng với hiện tượng rụng tóc sau sinh của mẹ.
Bệnh tự miễn
Trong một số trường hợp, bé bị rụng tóc vành khăn hoặc tóc trở nên thưa hơn do mắc các bệnh tự miễn như viêm mạn tính, bạch biến, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, nhược cơ… Trong những trường hợp này, cơ thể bé tự coi tế bào của mình là vật lạ và tiến hành đào thải.
Cải thiện tình trạng rụng tóc này ở bé bằng cách gì?
Để giúp bé tránh tình trạng rụng tóc kiểu vành khăn, cha mẹ nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm ngủ của con, không để một vùng da đầu tiếp xúc quá lâu với mặt gối. Hãy chọn các sản phẩm chăn gối có chất liệu thật mềm mại, nhẹ nhàng cho làn da nhạy cảm của bé. Ngoài ra, bậc phụ huynh cũng cần lưu ý không đội mũ quá chật cho con để tránh làm tổn thương da đầu mỏng manh của bé.
Đối với chế độ dinh dưỡng, nếu bé đã bắt đầu ăn dặm, cha mẹ hãy đảm bảo bữa ăn hàng ngày của con được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Với những bé còn đang bú mẹ, hãy tăng cường cho con bú nhiều hơn. Để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng phù hợp và khoa học cho bé, tốt nhất là cha mẹ nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Một việc nữa mà phụ huynh có thể làm là cho bé tắm nắng sớm thường xuyên, giúp bổ sung thêm nguồn vitamin D tự nhiên, cải thiện tình trạng rụng tóc và giúp bé cứng cáp hơn. Thời gian tốt nhất để tắm nắng là trước 8 giờ sáng, trong khoảng 5-7 phút. Tránh đưa con ra ngoài khi mặt trời lên cao và ánh nắng trở nên gay gắt, vì lúc này tia cực tím hoạt động mạnh, có thể gây hại cho da và mắt của bé.
Có cần đưa bé đến bác sĩ khi gặp tình trạng này không?
Rụng tóc vành khăn tuy không phải là tình trạng nguy hiểm, nhưng bé gặp phải vấn đề này thường có thể trạng yếu hơn so với các bé cùng lứa tuổi. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, khiến bé chậm biết lật, bò, mọc răng, hay đi đứng so với bình thường. Vì vậy, việc tìm hiểu và cải thiện tình trạng này là điều quan trọng mà cha mẹ không nên bỏ qua.
Một trong những việc cần làm đầu tiên khi bé bị rụng tóc vành khăn kéo dài, không cải thiện sau 6 tháng là đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra và chẩn đoán nguyên nhân. Nếu bé có các dấu hiệu bất thường khác như da đỏ, bong vảy, hoặc xuất hiện các đốm hói nhỏ, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay. Khi đi khám, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc hay thay đổi liều lượng đã được kê đơn, vì bé càng nhỏ thì việc sử dụng thuốc càng cần phải cẩn trọng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Mặc dù chứng rụng tóc này không gây nguy hiểm trực tiếp nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan. Hãy luôn ưu tiên quyết định đi khám và tìm đúng nguyên nhân để có thể đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả nhất, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của con mình.