Rụng tóc sau sinh có thể là một phần bình thường của việc sinh con. Khi mang thai, bạn có thể đã được trời phú cho một mái tóc dày và bóng mượt. Tuy nhiên, sau khi sinh con, tóc của bạn có thể bắt đầu rụng nhiều. Triệu chứng bình thường này là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sau khi sinh. Vậy tình trạng rụng tóc sau khi sinh kéo dài bao lâu và có cách nào ngăn chặn tình trạng này xảy ra không? Hãy đọc bài viết dưới đây để biết thêm về các thông tin liên quan đến tình trạng rụng tóc này nhé!
Những điều cần biết về rụng tóc sau sinh
Trước khi tìm hiểu về những cách ngăn chặn tình trạng rụng tóc này, bạn cần biết những thông tin cơ bản từ định nghĩa thế nào là rụng tóc sau khi sinh, cũng như các nguyên nhân gây ra vấn đề này.
Rụng tóc sau khi sinh là thế nào?
Rụng tóc sau sinh (hay Telogen effluvium) là tình trạng tóc rụng nhiều xảy ra vài tháng sau khi sinh, do sự thay đổi hormone trong và sau quá trình mang thai.
Tình trạng rụng tóc sau khi sinh
Tóc mọc từ các nang nhỏ trên da đầu và trải qua một chu kỳ gồm ba giai đoạn liên tục trong suốt cuộc đời:
- Giai đoạn Anagen: giai đoạn tóc phát triển mạnh mẽ, kéo dài từ 2 đến 8 năm, chiếm khoảng 85% – 90% số tóc tại bất kỳ thời điểm nào.
- Giai đoạn Catagen: giai đoạn chuyển tiếp ngắn kéo dài khoảng 2 tuần, khi các nang tóc bắt đầu co lại.
- Giai đoạn Telogen: giai đoạn tóc “nghỉ ngơi” kéo dài khoảng 3 tháng, sau đó tóc sẽ rụng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc sau khi sinh
- Thay đổi nội tiết tố. Khi mang thai, nồng độ estrogen tăng cao, kích thích các nang tóc bước vào giai đoạn phát triển, khiến mái tóc trở nên dài và dày hơn. Tuy nhiên, sau khi sinh con, nồng độ estrogen giảm trở lại mức trước khi mang thai, khiến tóc rụng sau khoảng 100 ngày.
- Thiếu máu và thiếu sắt cũng là nguyên nhân phổ biến, do cơ thể không được bổ sung đủ sắt và protein cần thiết cho sự phát triển của tóc.
- Nấm da đầu, với biểu hiện là những mảng đỏ vảy kèm ngứa và rụng tóc.
- Sử dụng hóa chất, như uốn hoặc tẩy tóc, có thể làm tóc hư tổn, xơ rối và dễ rụng.
- Căng thẳng tâm lý sau sinh, kết hợp với áp lực từ chăm sóc con và công việc, cũng góp phần làm tóc rụng nhiều hơn.
- Thiếu hụt dinh dưỡng sau sinh, khi chất dinh dưỡng tập trung vào sữa mẹ, khiến cơ thể mẹ thiếu các dưỡng chất cần thiết cho tóc.
Cách trị rụng tóc sau sinh dành cho mẹ bỉm
Rụng tóc sau sinh là hiện tượng phổ biến mà không ai có thể ngăn chặn hoàn toàn, bởi đó là một phần tự nhiên trong quá trình hồi phục sau khi mang thai. Hiện tại không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng rụng tóc tạm thời (telogen effluvium) hoặc đẩy nhanh tốc độ mọc tóc mới. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số cách sau để làm chậm đi hoặc ngăn ngừa tình trạng rụng tóc sau khi sinh.
Giữ tinh thần thoải mái
Việc duy trì một tâm lý thoải mái và vui vẻ trong giai đoạn này là rất quan trọng đối với các mẹ bỉm. Căng thẳng và lo lắng không chỉ ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ mà còn làm tăng tình trạng rụng tóc.
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất
Thực đơn hàng ngày của các mẹ bỉm nên được bổ sung thêm rau xanh, trái cây và protein lành mạnh. Những thực phẩm như rau xanh, khoai lang, cà rốt, trứng và cá đều giúp tóc chắc khỏe nhờ mang lại những chất dinh dưỡng cần thiết như sắt, vitamin C, vitamin D beta carotene, omega-3 và magie.
Ngoài ra, bổ sung vitamin trước và sau khi sinh cũng quan trọng, mặc dù không thể thay thế cho chế độ ăn đa dạng, nhưng việc này cũng giúp bổ sung các dưỡng chất còn thiếu cho cơ thể.
Gội đầu và chăm sóc tóc kỹ lưỡng
- Dùng dầu gội tạo độ phồng: Loại dầu gội này có chứa các thành phần như protein, giúp mái tóc trông dày hơn.
- Tránh dầu gội có nhãn “dưỡng chất”: Những sản phẩm này có chứa nhiều dầu xả, có thể làm tóc nặng thêm và mềm nhũn.
- Dùng dầu xả dành cho tóc mỏng: Loại dầu xả nhẹ sẽ không làm nặng tóc.
- Tránh dầu xả có nhãn “chuyên sâu”: Những sản phẩm này có thể làm tóc dễ hư tổn.
- Chỉ sử dụng dầu xả ở ngọn tóc: Thoa dầu xả lên toàn bộ tóc hoặc da đầu có thể khiến cho tóc bị nặng.
- Chăm sóc tóc nhẹ nhàng: Gội và chải tóc một cách nhẹ nhàng, tránh buộc tóc chặt hoặc thắt bím, có thể khiến tóc chịu áp lực và làm tóc rụng nhiều hơn.
- Thử thay đổi kiểu tóc.
Cách trị rụng tóc sau sinh theo phương pháp dân gian
Dưới đây là một số biện pháp dân gian chống rụng tóc sau sinh mà nhiều chị em đã thử, tuy nhiên vẫn còn cần kiểm chứng thêm:
1. Chữa rụng tóc sau sinh bằng vỏ bưởi
Tinh dầu vỏ bưởi giúp nuôi dưỡng mái tóc
Tinh dầu từ vỏ bưởi giúp kích thích mọc tóc và nuôi dưỡng các nang tóc, giúp cho tóc dài, đẹp và chắc khỏe một cách tự nhiên. Tinh dầu được lấy bằng cách cắt nhỏ vỏ bưởi và đun sôi trong nước, sau đó để nguội rồi dùng để gội đầu. Tinh dầu này có thể làm sạch tóc, giúp các mẹ bỉm giảm căng thẳng và cảm nhận được sự thư giãn. Phụ nữ sau sinh thường sử dụng tinh dầu bưởi để kích thích tóc mọc nhanh và dày hơn bằng cách xoa tinh dầu từ chân tóc đến ngọn tóc.
2. Ngăn ngừa rụng tóc sau mang thai cho các mẹ bằng dầu dừa
Ngăn ngừa rụng tóc nhờ dầu dừa
Dầu dừa là thành phần quen thuộc trong các loại dầu gội và dầu xả. Đây là một phương pháp tự nhiên để điều trị rụng tóc sau sinh. Với khả năng dưỡng ẩm, dầu dừa giúp tóc suôn mượt, giảm rối và ngăn ngừa tình trạng gãy rụng.
3. Sử dụng bồ kết trị rụng tóc sau khi mang bầu
Gội đầu với bồ kết giúp giảm rụng tóc
Rụng tóc sau sinh có thể đến từ nhiều nguyên nhân, và bồ kết chứa flavonoid, một chất chống oxy hóa giúp phục hồi nang tóc bị thoái hóa và kích thích tóc mới mọc. Không chỉ vậy, bồ kết còn ức chế các gốc tự do, nguyên nhân chính gây hói đầu và thoái hóa nang tóc.
4. Giảm rụng tóc cho phụ nữ sau sinh bằng nha đam
Ngăn ngừa rụng tóc sau khi sinh với nha đam
Nha đam giàu vitamin A, E, C giúp tái tạo tế bào, thúc đẩy sự phát triển của tóc và mang lại vẻ bóng mượt cho tóc. Vitamin B12 và acid folic cũng giúp ngăn ngừa gãy rụng, làm dịu tình trạng ngứa da đầu và điều trị gàu. Nha đam còn giúp làm sạch dầu thừa và cặn từ các sản phẩm chăm sóc tóc, mang lại mái tóc mềm mại và khỏe mạnh.
5. Chống tóc gãy rụng sau khi sinh bằng lá ổi
Lá ổi giúp tóc chắc khỏe, ngăn ngừa rụng tóc
Lá ổi chứa vitamin B3, C và Lycopene, giúp nuôi dưỡng tóc chắc khỏe, bảo vệ tóc khỏi tác hại của tia cực tím, làm tóc bóng mượt và giảm gãy rụng. Ngoài ra, lá ổi còn giúp điều tiết dầu thừa và gàu trên da đầu, giữ nang tóc khỏe mạnh.
Những câu hỏi thường gặp về tình trạng rụng tóc sau khi sinh ở phụ nữ
Rụng tóc sau sinh bao lâu thì khỏi?
Đối với chứng rụng tóc nói chung, sẽ có một số nguyên nhân gây nên tình trạng đó, và trong tình huống này là việc sinh con. Về cơ bản, một lượng tóc nhiều hơn bình thường sẽ được kích hoạt để bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi”, chính là việc rụng tóc. Theo lời các bác sĩ, thời gian để số tóc đó rụng đi phải mất khoảng ba tháng, nên đó là lý do tại sao hầu hết mọi người chỉ nhận thấy tình trạng rụng tóc khoảng ba tháng sau khi sinh.
Đối với hầu hết các trường hợp, tóc sẽ bắt đầu mọc lại sau 3 đến 6 tháng sau sinh. Mặc dù vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đa phần các bà mẹ sẽ trải qua vấn đề này khi sinh con. Bên cạnh đó, vì cơ thể của mỗi người là khác nhau nên thời gian để phục hồi cũng sẽ khác nhau. Một vài người mất ba tháng, một vài người mất sáu tháng, và đôi lúc có người bị kéo dài đến cả năm.
Rụng tóc sau sinh thiếu chất gì? Cần bổ sung những gì?
Vitamin B7 (hay còn gọi là biotin hoặc vitamin H) đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe mái tóc, móng và lông trên cơ thể. Thiếu hụt vitamin B7 có thể gây rụng tóc kèm theo một số vấn đề khác về da liễu. Tuy nhiên, tình trạng này khá hiếm do biotin có mặt trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc như lòng đỏ trứng, ngũ cốc, thịt,… Các dưỡng chất sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh:
Sắt là một trong những chất cần bổ sung đối với tình trạng rụng tóc sau khi sinh
- Sắt
- Kẽm
- Phức hợp vitamin B
- Vitamin C
- Vitamin E
- Biotin (vitamin B7)
Tuy nhiên, trước khi bổ sung các dưỡng chất này, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn liều lượng phù hợp.
Sau sinh bao lâu thì bị rụng tóc?
TÌnh trạng rụng tóc thường sẽ xuất hiện khoảng 3 tháng sau khi sinh con. Thời gian rụng tóc của các mẹ bỉm có thể kéo dài tầm 6 tháng, nhưng đó là tình trạng tạm thời chứ không vĩnh viễn, tóc sẽ mọc lại sau khoảng thời gian này.
Rụng tóc sau khi mang thai có nguy hiểm không?
Phụ nữ mang thai có thể bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến việc xác định chính xác lý do xảy ra tình trạng này trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu việc rụng tóc là do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, tình trạng này có thể rất nguy hiểm.
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu hụt không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây nguy cơ chậm phát triển, sinh non, hay thậm chí là sảy thai. Vì vậy, nếu mẹ bầu nhận thấy rụng tóc kéo dài và không rõ nguyên nhân, việc tìm gặp bác sĩ để được tư vấn là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp giải quyết tình trạng rụng tóc mà còn giảm bớt lo lắng trong quá trình mang thai.
Có nên dùng thuốc trị rụng tóc để cải thiện hiện tượng rụng tóc sau sinh?
Theo các chuyên gia, trong thời gian cho con bú, các mẹ bỉm không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào, bao gồm cả thuốc trị rụng tóc. Việc dùng thuốc trong giai đoạn này không chỉ có thể tác động đến sức khỏe của người mẹ mà còn làm giảm chất lượng sữa, gây hại cho sức khỏe của em bé.
Tin liên quan
Feb 28, 2024
Feb 28, 2024