Aug 30, 2024

Hói đầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu để ý, bạn có thể nhận thấy được các dấu hiệu của tình trạng này. Một số loại rụng tóc là tạm thời, trong khi những loại khác là vĩnh viễn, dẫn đến hói đầu. Vì vậy hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu hói đầu đáng chú ý nhất, nguyên nhân gây rụng tóc – hói đầu, cũng như biết được 4 phương pháp chữa hói đầu vô cùng hiệu quả qua bài viết sau đây.

Dấu hiệu để biết bản thân bị hói đầu?

Cơ thể của mỗi người là khác nhau, nên các dấu hiệu hói đầu có thể khác nhau. Một số người có thể thấy tóc bắt đầu rụng từ thái dương, trong khi những người khác có thể nhận thấy sự thay đổi xuất hiện ở đường chân tóc. Điều này đồng nghĩa với việc không phải ai bị rụng tóc cũng sẽ gặp tất cả các dấu hiệu của hói đầu.

Dưới đây là những dấu hiệu hói đầu thường gặp bạn có thể dễ nhận thấy.

Tóc ở vùng thái dương mỏng hơn

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nhận thấy tóc quanh vùng thái dương của bạn bắt đầu mỏng dần, và điều tương tự cũng có thể biểu hiện qua phần tóc ở đỉnh đầu hoặc phía sau đầu.

Đường chân tóc dần tụt về sau

Quá trình tóc ở phía trước và hai bên thái dương thưa dần và càng ngày càng lùi xa về phía sau chính là định nghĩa cho khái niệm này. Thông thường, những ai gặp tình trạng này sẽ nhận thấy đường chân tóc của mình bắt đầu lùi dần về sau đầu, tạo thành hình chữ “M” vì tóc ở hai bên thái dương rụng nhanh hơn so với phần giữa.

Rụng tóc thành chữ "M"

Rụng tóc thành chữ "M"

Tóc thưa dần trên đỉnh đầu

Có thể nói một trong những dấu hiệu đầu tiên của rụng tóc, hói đầu là việc phần tóc trên đỉnh đầu trở nên thưa hơn. Với dạng rụng tóc này, bạn sẽ không thấy phần tóc hai bên đầu bị thưa đi. Kiểu rụng tóc này có xu hướng phát triển chậm, và có thể phải mất nhiều năm để quá trình tóc rụng đến mức hình thành vùng hói trên đỉnh đầu.

Phần đường ngôi tóc rộng dần

Bạn đã gặp phải tình trạng rụng tóc này nếu thấy đường ngôi tóc trên phần đỉnh đầu của mình thưa dần và khoảng cách giữa 2 phần tóc ngày càng rộng.

Đường ngôi tóc thưa dần

Tình trạng đường ngôi tóc thưa dần

Tóc trên toàn bộ da đầu mỏng dần

Đối với một số người, họ sẽ không bị những vấn đề rụng tóc từng phần như trên mà tóc sẽ rụng trên toàn bộ phần đầu, khi đó tóc sẽ trở nên mỏng đều trên mọi khu vực. Tình trạng này sẽ dễ gặp ở nữ giới hơn, khác với việc nam giới sẽ đa phần trải qua tình trạng rụng ở đường chân tóc.

Tóc rụng thành từng mảng

Rụng tóc thường là một quá trình diễn ra khá chậm, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn không thể để ý đến sự thay đổi. Chẳng hạn như việc tóc của bạn có thể rụng thành từng mảng lớn thay vì mỏng đi và rụng dần theo thời gian chính là những thay đổi đáng kể giúp bạn nhận biết được vấn đề bản thân đang gặp phải. Hơn thế nữa, đây có thể là dấu hiệu bạn đang gặp một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó.

Rụng tóc từng mảng

Tóc rụng thành từng mảng

Rụng tóc, lông trên khắp cơ thể

Bạn có thể nhận thấy tóc hoặc lông trên người mỏng đi hoặc không mọc lại sau khi cạo. Rụng lông ở chân, cánh tay và các bộ phận khác trên người có thể là do lão hóa, nhưng đó cũng có thể là triệu chứng của một số tình trạng sức khỏe nhất định.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hói đầu

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rụng tóc, nhưng sau đây sẽ là một số yếu tố liên quan thường dễ dẫn đến tình trạng này:

  • Yếu tố di truyền: yếu tố tiền sử gia đình liên quan đến quá trình lão hóa là nguyên nhân rụng tóc phổ biến nhất. Gen gây rụng tóc có mối liên hệ với nhiễm sắc thể giới tính và thường di truyền ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.
  • Thay đổi nội tiết tố và tình trạng sức khỏe: hai yếu tố này có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc chỉ là tạm thời, bao gồm thay đổi nội tiết tố do mãn kinh, mang thai, sinh con, cường androgen và những vấn đề về tuyến giáp.
  • Các vấn đề sức khỏe toàn thân hoặc trên da đầu: những vấn đề này có thể gây rụng tóc thành từng mảng hoặc rụng từng sợi như rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn, hội chứng rối loạn giật tóc và nhiễm trùng da đầu như nhiễm nấm da đầu, viêm nang lông, …

Nấm da đầu, viêm nang lông

Nấm da đầu, viêm nang lông

  • Thuốc, thực phẩm bổ sung: một số loại thuốc như thuốc trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, bệnh tim, bệnh gút và huyết áp cao có để có tác dụng phụ là rụng tóc. Ngoài ra, tóc có thể rụng do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn kiêng để giảm cân không khoa học, không cung cấp đủ các vitamin để tóc phát triển.
  • Xạ trị: người trải qua quá trình này có thể đối mặt với việc tóc không mọc lại được như trước.
  • Căng thẳng: nhiều người trải qua tình trạng tóc mỏng đi hoặc rụng tóc từng mảng sau khi phải chịu một hay nhiều cú sốc về thể chất hoặc tinh thần, và loại rụng tóc này chỉ là tạm thời.
  • Do kiểu tóc và phương pháp điều trị: tạo các kiểu tóc buộc tóc chặt như thắt bím hoặc búi tóc đều có thể gây ra rụng tóc. Các phương pháp điều trị tóc bằng dầu nóng và sử dụng thuốc nhuộm tóc cũng có thể khiến tóc rụng.

4 phương pháp giúp chữa hói đầu hiệu quả

Hói đầu có thể được điều trị và tóc có thể mọc lại như bình thường. Bác sĩ da liễu sẽ tư vấn và lên phác đồ điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân. Vì vậy bạn cần kiên trì và có thể phải thử một hoặc nhiều loại phương pháp để đạt được kết quả mong muốn.

Sau đây là 4 phương pháp chữa hói đầu phổ biến, bao gồm:

  • Uống hoặc bôi thuốc: hai loại thuốc chứa minoxidil và finasteride đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để chữa hói đầu ở nam giới. Các loại thuốc này có sẵn dưới dạng viên uống hoặc thuốc bôi ngoài da, được khuyến cáo sử dụng hàng ngày và cần ít nhất 3-4 tháng hay đến cả năm để thấy kết quả. Hiệu quả của thuốc cũng phụ thuộc vào cách sử dụng và liều lượng. Nếu sử dụng, bạn cần duy trì việc uống thuốc lâu dài, vì tóc sẽ tiếp tục rụng nếu bạn ngừng uống.
  • Cấy tóc: Đây là một thủ thuật y khoa xâm lấn với hai phương pháp cấy tóc để chữa hói đầu di truyền - cắt dải nang tóc và chiết cụm nang tóc. Phương pháp cắt dải nang tóc bao gồm việc tách một mảng da đầu chứa các nang tóc khỏe mạnh (thường từ phía sau đầu, nơi có nhiều tóc), sau đó được chia thành nhiều mảnh nhỏ và ghép vào khu vực bị hói. Phương pháp chiết cụm nang tóc lấy các nang tóc khỏe mạnh từ da đầu, sau đó tạo các lỗ nhỏ trên vùng da nơi tóc rụng nhiều và cấy các nang tóc vào đó, giúp tóc mọc đều trên toàn bộ đầu.

Trước và sau khi cấy tóc

Trước và sau khi cấy tóc

  • Laser năng lượng thấp: Đây là phương pháp ít xâm lấn, dễ thực hiện và có rất ít tác dụng phụ. Sử dụng tia laser với xung năng lượng cực thấp giúp tăng tuần hoàn máu ở da đầu và kích thích nang tóc phát triển. Tùy theo cơ địa mỗi người sẽ mang lại hiệu quả điều trị khác nhau. Laser có khả năng kích thích những nang tóc còn lại trên da đầu nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các nang tóc đã mất.
  • Chữa bằng lăn kim hoặc tiêm vi điểm: Dùng cây lăn, bút lăn hoặc tiêm thuốc vi điểm (thuốc kích thích mọc tóc, tế bào gốc exosome hoặc huyết tương giàu tiểu cầu) vào vùng hói.

Lưu ý: một số phương pháp có thể không phù hợp với tất cả mọi người, dẫn đến dị ứng. Vì vậy, người gặp tình trạng rụng tóc, hói đầu nên tìm đến bác sĩ da liễu để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.

Trung bình: 0
Lượt đánh giá: 0
Bạn đánh giá: Not rated

Yêu cầu tư vấn